Hoại tử xương nguyệt (Kienbock disease), một trong những bệnh lý gây đau cổ tay ít gặp và dễ bỏ sót.
Bệnh lý kienbock được một bác sĩ người Áo tên là Robert Kienbock mô tả lần đầu tiên vào năm 1910. Là một quá trình bệnh tiến triển dẫn đến đau, rối loạn chức năng cổ tay và thoái hóa khớp. Do tình trạng cấp máu cho xương nguyệt bị gián đoạn, xương rơi vào tình trạng thiếu máu nuôi và hoại tử.
Nguyên nhân chính xác của bệnh lý kienbock còn chưa rõ ràng. Một số tác giả cho rằng tình trạng chấn thương cổ tay là 1 yếu tố thuận lợi. Một số khác cho rằng do bất thường mạch nuôi xương Nguyệt hoặc sự mất cân đối giữa chiều dài 2 xương cẳng tay cũng là 1 yếu tố nguy cơ. Đặc biệt khi chiều dài xương quay tăng lên dẫn đến tăng lực truyền qua khớp quay nguyệt, làm tăng nguy cơ hoại tử xương Nguyệt.
Người bệnh đến khám với 1 số triệu chứng như: Đau, yếu, sưng nề và giảm sức cầm nắm của bàn tay. Trong giai đoạn sớm chẩn đoán khó khăn vì dễ nhầm lẫn với 1 số bệnh như chấn thương cổ tay hoặc viêm màng hoạt dịch bao gân. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như Xquang hoặc siêu âm cũng không tìm thấy tổn thương trong giai đoạn sớm. cộng hưởng từ là một cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác và sớm nhất.
Có nhiều cách phân loại bệnh lý kienbock, có thể theo giai đoạn lâm sàng, theo Xquang. Phân độ phổ biến nhất là theo Lichtman năm 1977 :
– Độ 1: Xquang bình thường, có thay đổi trên cộng hưởng từ với biểu hiện gợi ý tổn thương thiếu máu xương Nguyệt.
– Độ 2: Xơ hóa xương nguyệt trên XQ thường, biểu hiện bằng hình ảnh tăng cản quang, có thể có đường gãy. Giai đoạn này trên cộng hưởng từ có biểu hiện rõ tình trạng hoại tử xương Nguyệt.
– Độ 3: Tổn thương mặt khớp xương nguyệt, xương nguyệt vỡ mảnh, có thể quan sát dễ dàng trên Xquang.
– Độ 4: Xương nguyệt hoại tử hoàn toàn kèm theo tình trạng viêm và thoái hóa khớp cổ tay.
Điều trị: Bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Bảo tồn thường lựa chọn trong giai đoạn sớm của bệnh ( Độ 1 ) như: giảm đau, chống viêm, bất động cổ tay.
Phẫu thuật khi bệnh tiến triển nặng hoặc điều trị bảo tồn không mang lại hiệu quả (Độ 2 trở lên), có rất nhiều kỹ thuật phẫu thuật được Lựa chọn tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, mức độ tổn thương, nhu cầu vận động của bệnh nhân:
+ Thay thế xương Nguyệt: vẫn là 1 thách thức với các phẫu thuật viên vì ngoài thay thế xương Nguyệt, vấn đề tái tạo dây chằng và phần mềm xung quanh xương Nguyệt cũng cần được tính đến.
+ Phẫu thuật chuyển vạt xương có cuống mạch.
+ Làm ngắn xương quay, kéo dài xương trụ trong trường hợp chiều dài xương quay tăng lên dẫn đến tăng lực truyền qua khớp quay – nguyệt, làm tăng nguy cơ bị hoại tử xương.
+ Lấy bỏ xương hàng trên cổ tay: trong trường hợp xương nguyệt tổn thương nặng, bị vỡ mảnh, phải lấy bỏ mảnh vỡ xương nguyệt kèm theo ít nhất 2 xương lân cận.
+ Đóng cứng khớp cổ tay ( hàn khớp ): Kỹ thuật này giúp giảm đau tuy nhiên làm giảm biên độ vận động của khớp cổ tay.
(Ths.Bs Trần Quyết. khoa Chấn Thương Chỉnh Hình bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.)