1. Hội chứng Scapping Scapula là gì?
Xương bả vai là một xương rộng, dẹt, hình tam giác có 3 cạnh, 3 góc, áp sát vào thành sau của lồng ngực. Nó nằm gần như hoàn toàn trong cấu trúc cơ, do đó xương bả vai rất linh động, giúp tăng tầm vận động cho chi trên. Nhờ có sự trượt của xương này trên thành ngực khi vận động, đôi khi còn được gọi là khớp bả vai lồng ngực. Một số tác giả thậm chí coi nó là “khớp giả”, bởi nó không có các thành phần cơ bản của một khớp vận động như sụn khớp, màng hoạt địch và bao khớp.
Nằm giữa xương bả vai và thành ngực là các cấu trúc cơ và các túi hoạt dịch giúp đệm cho các thành phần này, tránh sự ma sát khi chúng trượt lên nhau lúc vận động. Góc trên, góc dưới và bờ trong xương vai ít được bảo vệ bởi cơ và các túi hoạt dịch, do đó các thay đổi về giải phẫu tại những vị trí đặc biệt này, dù là nhỏ nhất, cũng có thể làm ảnh hưởng tới quá trình trượt trơn tru của xương bả vai trên lồng ngực.
Khi người bệnh thực hiện các động tác của vai mà có cảm giác chà xát hay âm thanh lạo xạo, lục cục, rất có thể đó là dấu hiệu của Hội chứng bả vai kêu (Snapping scapula Syndrome). Đây là một hội chứng hiếm gặp, xuất hiện khi phần mềm giữa xương bả vai và thành ngực trở nên dày hơn, bị kích thích hoặc bị viêm. Hội chứng cũng có thể xảy ra nếu xương bả vai hoặc lồng ngực, xương sườn chạm vào nhau.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng của Hội chứng bả vai kêu, các phương tiện chẩn đoán và lời khuyên điều trị tình trạng này từ bác sĩ chuyên khoa.
2. Những Nguyên nhân nào có thể gây ra tình trạng này?
Hội chứng bả vai kêu có thể do các vấn đề mở mô mềm hoặc xương của xương bả vai và thành ngực:
+ Thay đổi giải phẫu xương bả vai: đó là một số trường hợp góc giải phẫu của bờ trong của xương bị thay đổi, khiến khả năng ôm sát và trượt của xương lên thành ngực bị ảnh hưởng dẫn tới xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra còn phát hiện góc dưới của xương nhô ra quá mức cũng là một nguyên nhân phổ biến thứ hai.
+ Củ Luschka: là khối xương nhô ra hình móc câu, nằm tại bờ trong phía trên xương bả vai, có thể làm xương bả vai cọ sát vào thành ngực khi vận động.
+ Rối loạn vận động xương bả vai, thiểu năng cơ răng trước và tổn thương thần kinh ngực dài: làm mất cân bằng, linh hoạt của bả vai, các cơ đối kháng co kéo xương bả vai sát quá mức vào thành ngực
+ Có tiền sử chấn thương bả vai: đó có thể là các chấn thương trực tiếp vào xương bả vai hoặc có thể là chấn thương gián tiếp thông qua hệ thống treo khớp vai (cùng đòn, vai-cánh tay)
+ Viêm bao hoạt dịch: xảy ra sau một chấn thương, hay do phải vận động lặp đi lặp lại kéo dài, đặc biệt là các vận động viên hay công nhân trong dây chuyền sản xuất. Bao hoạt dịch có chức năng giúp khớp bả vai lồng ngực hoạt động trơn tru hơn. Khi bị viêm sẽ ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của bả vai
+ U xương sụn, là khối u xương nguyên phát lành tính phổ biến nhất ở xương bả vai. Chúng gây ra hiệu ứng khối, nứt và thay đổi chuyển động của xương bả vai, chèn ép mạch máu thần kinh, gãy xương, viêm bao hoạt dịch hoặc biến đổi ác tính.
+ U xơ đàn hồi: khối u mềm lành tính, do phản ứng với các vi chấn thương lặp đi lặp lại do ma sát xương bả vai vào thành ngực.
+ Các tổn thương thần kinh, mất cân bằng cơ, tổn thương thần kinh ngực dài gây teo cơ răng trước hay có thể gặp HCBVK sau phẫu thuật cắt xương sườn 1 điều trị hội chứng lối thoát ngực.
3. Bệnh lý có những triệu chứng gì?
– Triệu chứng cơ năng: Bệnh nhân thường mô tả các triệu chứng đau vùng vai gáy, yếu vai, hoặc các tiếng kêu từ vùng khớp vai, cảm giác lục cục ở vùng vai; đau khi thực hiện các hoạt động đưa tay quan đầu, hạn chế hầu hết các hoạt động hàng ngày.
– Triệu chứng thực thể: Thăm khám lâm sàng sẽ phát hiện các tiếng lạo xạo vùng vai (crepitus) khi yêu cầu bệnh nhân dạng vai, nghe rõ hơn ở góc trên xương bả vai bị ép vào thành ngực. Tầm vận động của vai bị giảm nhiều. Đau khi sờ dọc bờ trên trong hay cực dưới xương vai. Bệnh nhân bị teo cơ, yếu cơ vùng vai, mất đối xứng hai bên.
4. Cận lâm sàng
– Xquang: Đánh giá các bất thường về xương bả vai, xương sườn;
– CT-Scan: đánh giá tốt xương bả vai, xương sườn để phát hiện các bất thường giải phẫu, chồi xương, gai xương và các va chạm xương
– Cộng hưởng từ (MRI): Được dùng để khảo sát phần mềm như cơ, các túi hoạt dịch.
5. Chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Hội chứng bả vai kêu có nhiều nguyên nhân gây bệnh, do đó cần phải được thăm khám kĩ lưỡng, kết hợp với các kết quả cận lâm sàng hỗ trợ các bác sĩ đưa ra kết luận chẩn đoán.
Có 2 hướng điều trị chính, đó là điều trị bảo tồn và phẫu thuật. Trong đó, khi hội chứng được chẩn đoán xác định và nguồn gốc của tiếng lục cục ở xương bả vai được định hướng là do các rối loạn phần mềm, thay đổi tư thế và rối loạn vận động, chúng ta nên áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn đầu tiên. Trong trường hợp bảo tồn thất bại, chẩn đoán nguyên nhân do bất thường giải phẫu xương, u xương, lúc này cần cân nhắc điều trị phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân.
a. Điều trị bảo tồn:
Mục tiêu: điều chỉnh tình trạng rối loạn vận động chức năng của cơ, điều chỉnh tư thế và rối loạn vận động ở xương bả vai.
Một số liệu pháp như:
– Sử dụng một đợt thuốc giảm đau NSAID như ibuprofen, meloxicam… để giảm đau, giảm viêm. Tránh sử dụng kéo dài để tránh các tác dụng phụ như loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa…
– Phương pháp điện châm giúp giảm đau, giãn cơ, kích thích thần kinh nội tại.
– Chương trình vật lý trị liệu tiêu chuẩn: nhằm điều chỉnh trạng thái mất cân bằng cơ, tăng cường các cơ yếu, kéo giãn các cơ bị co rút nhờ các bài tập kéo dãn, tăng cường sức mạnh của cơ, rèn luyện điều chỉnh tư thế nhằm giảm thiểu gù lưng, giữ tư thế đứng thẳng và tăng cường cơ ngực trên. Phương pháp này đòi hỏi các bài tập cường độ thấp, tần suất lặp lại cao, thực hiện một cách toàn diện.
– Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn, phải tránh tập vật lý trị liệu và cân nhắc tiêm thuốc tê hay corticoid tại chỗ để giảm đau một phần hoặc toàn bộ.
Khi tất cả các phương pháp bảo tồn trên không làm giảm triệu chứng 3 đến 6 tháng, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phẫu thuật.
b. Điều trị phẫu thuật
Chỉ định phẫu thuật phải được đánh giá kĩ lưỡng bằng các tiêu chí lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh, cần loại trừ các rối loạn cột sống cổ và suy giảm chức năng phần kinh.
– Phương pháp mổ mở: xác định các mốc giải phẫu của xương bả vai, phẫu thuật cô lập xương bả vai và bảo về các cấu trúc thần kinh cơ của bả vai trong quá trình thực hiện. Các bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ bao hoạt dịch bệnh lý, gai xương, u xương… Sau mổ người bệnh được đeo nẹp vai tay trong 4 tuần, sau đó được tham gia chương trình vật lý trị liệu tiêu chuẩn. Phương pháp này có ưu điểm đó là kết quả sau phẫu thuật từ tốt đến khả quan, cải thiện triệu chứng và phục hồi cơ năng hiệu quả. Tuy nhiên cần đường mổ rộng, có một tỷ lệ nguy cơ nhất định tổn thương cấu trúc thần kinh ảnh hưởng phục hồi sau điều trị.
– Nội soi khớp là phương pháp tân tiến, có giá trị về mặt kỹ thuật để thay thế cho phương pháp mổ mở. Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn, có một số ưu điểm so với mổ mở, như giảm tỷ lệ dính khớp, cho phép phục hồi chức năng sớm, đảm bảo tính thẩm mỹ tốt, giảm thời gian nằm viện và bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, đặc biệt mang lại lợi ích cho các vận động viên thể thao chuyên nghiệp. Ban đầu, nội soi khớp vai ngực được thực hiện với 2 đường vào, sau đó thêm một đường thứ ba là “cổng Bell”. Tư thế bệnh nhân nằm sấp hoặc nằm nghiêng, cánh tay xoay trong (tư thế cánh gà). Mục tiêu phẫu thuật và quy trình cũng tương tự như mổ mở.
– Một điểm lưu ý là nội soi bả vai lồng ngực chỉ nên can thiệp vào khoang răng trước, hạn chế can thiệp vào khoang dưới vai do nguy cơ biến chứng lớn. Mục tiêu của PT nội soi điều trị HCBVK là lấy bỏ toàn bộ hoạt dịch viêm và hóc xương trên trong.
– Phục hồi chức năng sau mổ: tiến hành tập thụ động sớm, tập vận động chủ động sau 7-10 ngày và vận động hết toàn bộ tầm vận động có thể đạt được sau 2-3 tuần. Bệnh nhân có thể trở lại các công việc nặng sau 3 tháng.
6. Dự phòng
Để dự phòng hội chứng Snapping scapular, chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp tập luyện như các bài tập kéo dãn cơ bả vai, bài tập tăng sức mạnh cho cơ, tập điều chỉnh tư thế chuẩn. Một lưu ý quan trọng đó là hạn chế các động cần giạng tay qua đầu tác lặp đi lặp lại kéo dài.
Hội chứng bả vai kêu đã từng bị bệnh nhân và một số bác sĩ có quan điểm xem nhẹ trong thời gian dài và thường được điều trị chỉ khi liên quan đến những bất thường về xương, các khối u, bởi các hình ảnh chụp Xquang không thể tìm ra nguyên nhân chính từ các cấu trúc phần mềm. Tuy nhiên nhờ các phương tiện hiện đại hỗ trợ, cùng với phát triển của các phương pháp điều trị, ngày càng nhiều người bệnh được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
ThS BS Trần Quyết, trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao, bệnh viện Vinmec Timescity, 458 Minh khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. SĐT 0964502886