Hội chứng chèn ép mặt lưng cổ tay (dorsal wrist impingement syndrome) bệnh ít gặp hay là bị bỏ sót?

Đau mặt lưng cổ tay

Bạn đã từng bị đau khi duỗi cổ tay? Cơn đau có thể tái đi tái lại nhưng không biết rõ nguyên nhân là gì và điều trị ra sao? Bài viết này sẽ đưa những kiến thức cơ bản nhất về tình trạng này.

Khi nhắc đến nguyên nhân gây đau tại mu cổ tay, chúng ta thường nói đến nhóm nguyên nhân ở phía bờ quay hoặc bờ trụ cổ tay. Tuy nhiên, khả năng tổn thương vùng giữa mu cổ tay, thực tế lại phổ biến hơn những gì ta nghĩ trước đây. Việc bỏ sót chẩn đoán và điều trị không đầy đủ có thể làm tăng tỉ lệ tái mắc và trì hoãn thời gian trở lại sinh hoạt, tập luyện, đặc biệt là các vận động viên chuyên nghiệp.
Nếu nhắc tới các bệnh lý vùng giữa mặt gan của cổ tay, chúng ta thường nghĩ ngay tới Hội chứng ống cổ tay, thì ở phía mặt mu tay, ta lại dễ bị bỏ quên trong quá trình chẩn đoán, đó là Hội chứng chèn ép mặt lưng cổ tay (Dorsal Wrist Impingement Syndrome).

Minh họa vị trí đau khi duỗi cổ tay

Vậy nguyên nhân và triệu chứng của Hội chứng chèn ép mặt lưng cổ tay là gì?

Hội chứng chèn ép mặt lưng cổ tay thường xảy ra khi bao gân duỗi cổ tay bị chèn ép bất thường giữa các cấu trúc chồi xương đầu dưới xương quay, xương thuyền, và gân cơ duỗi cổ tay quay. Hoặc có thể do chấn thương hoặc các vi chấn thương lặp đi lặp lại, dẫn đến viêm, dày bao gân, tổn thương và dày lên của dây chằng thuyền nguyệt hay đôi khi do nang hoạt dịch ẩn có thể gây kích thích khi duỗi cổ tay.

Bệnh nhân sẽ đến gặp Bác sĩ các với triệu chứng nổi bật như đau cổ tay, đau kiểu cơ học, tăng lên khi duỗi cổ tay hết cỡ lúc tập các động tác hít đất, đẩy tạ, yoga, nâng vật nặng… và giảm đi khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Các đợt đau thường tái đi tái lại nhiều lần.

Vùng đau của mặt lưng cổ tay

Thăm khám lâm sàng tư thế duỗi hết tầm cổ tay để xác định đúng vị trí điểm đau cạnh gân cơ duỗi cổ tay quay. Đôi khi có thể sờ thấy khối nổi lên do quá trình viêm mạn tính khiến cho bao gân duỗi dày lên.

Bên cạnh đó, hội chứng này cũng cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như:

– Hội chứng de Quervain (Viêm gân vùng mỏm trâm quay cổ tay)
– Viêm khớp cấp tính
– Gãy xương thuyền
– Rách dây chằng thuyền nguyệt cổ tay
– Khối u xương cổ tay hoặc u bao hoạt dịch cổ tay

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như Xquang, MRI là cần thiết cho dù đôi khi không hỗ trợ chẩn đoán xác định bệnh này, đó cũng là một nguyên nhân dễ dẫn tới bỏ sót chẩn đoán. Tuy nhiên những phương tiện này lại rất có giá trị trong chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân khác.

Hình ảnh MRI có tổ chức bất thường là nang hoạt dịch ẩn và viêm dày bao khớp phía sau cổ tay, nguyên nhân gây đau khi duỗi

Điều trị Hội chứng chèn ép mặt lưng cổ tay thể nào?

Giống như rất nhiều các bệnh lý xương khớp khác, hội chứng chèn ép mặt lưng cổ tay cũng thường có 2 hướng điều trị là bảo tồn và phẫu thuật.
a. Điều trị bảo tồn:

  • Điều chỉnh sinh hoạt và nghỉ ngơi, tránh các hoạt động gây đau, bệnh sẽ thuyên giảm dần nếu không xuất hiện thêm các đợt tái đi tái lại.
  • Nẹp cổ tay: giúp hạn chế chuyển động của cổ tay, có thể cho phép bao khớp bị viêm dày co lại về kích thước bình thường.
  • NSAID đường uống (có thể dùng ibuprofen hoặc naproxen): làm giảm bớt sự khó chịu và giảm viêm trong các mô bị kích thích.
  • Liệu pháp corticoid: tiêm corticoid vào phía sau cổ tay, có thể có hiệu quả trong việc làm dịu và thu nhỏ bao khớp bị viêm.

b. Phẫu thuật:
Chỉ định phẫu thuật thường đặt ra khi bệnh nhân bảo tồn thất bại (thay đổi sinh hoạt và nghỉ ngơi 3 tháng không cải thiện, liệu pháp corticoid không đem lại lợi ích), bệnh nhân còn đau dai dẳng và bị hạn chế vận động.

  • Có 2 phương pháp phẫu thuật đó là mổ mở và phẫu thuật nội soi. Khi mổ mở, phẫu thuật viên sẽ thực hiện đường mổ tại mặt mu cổ tay để tiến hành cắt bỏ bao khớp bị viêm dày, hay làm phẳng bề mặt xương thuyền, xương nguyệt bằng cách loại bỏ các chồi xương gây chèn ép. Phương pháp này cũng đem lại kết quả điều trị tốt, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như tổn thương mạch nuôi xương thuyền, thời gian đánh giá kết quả hồi phục lâu hơn.

  • Gần đây, các Bác Sĩ ưu tiên phẫu thuật nội soi hơn cho các bệnh nhân. Phương pháp này đem lại nhiều lợi ích như ít xâm lấn, bệnh nhân có thể theo dõi ngoại trú ngay sau điều trị, để lại sẹo nhỏ, giảm nguy cơ hạn chế duỗi cổ tay hơn mổ mở, người bệnh tập luyện và phục hồi chức năng sớm hơn. Quá trình phẫu thuật thường sử dụng 2 cổng vào nội soi. Trong đó mô bất thường, bao hoạt dịch viêm sẽ được loại bỏ. Tuy nhiên kỹ thuật này lại yêu cầu cao về trang thiết bị và trình độ của Phẫu thuật viên.
Hình ảnh nội soi số 1 cho thấy màng hoạt dịch viêm dày bị kẹt giữa xương quay và xương nguyệt gây đau cho bệnh nhân, sau đó được loại bỏ nhờ nội soi. 

Sau phẫu thuật, người bệnh được đeo nẹp cố định trong khoảng 2 tuần, sau đó cần tập phục hồi chức năng bắt đầu với các động tác nhẹ nhàng sau đó tăng dần cường độ theo thời gian. Các hoạt động mạnh và tập luyện thể thao có thể trở lại bình thường sau khoảng 3 tháng.

ThS.BS Trần Quyết – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec. Số 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sđt 0964502886

Trả lời