I. Tổng quan về hội chứng lối ra lồng ngực
Hội chứng lối ra lồng ngực (TOS – thoracic outlet sydrom) là một nhóm các rối loạn đặc trưng bởi triệu chứng đau và dị cảm tại cổ, vai, cánh tay hoặc bàn tay.
Cơ chế bệnh sinh thường do có sự chèn ép thân dưới của đám rối thần kinh cánh tay và các mạch máu thượng đòn khi đi qua khoang giữa xương đòn và xương sườn thứ nhất (lối thoát ngực), ra khỏi cơ bậc thang trước để chúng đi vào nách. Sự chèn ép có thể do:
– Bất thường xương sườn số 1.
– Vị trí hoặc tư thế của cơ bậc thang trước bất thường.
– Lệch tư thế xương đòn sau gãy.
– Tư thế hạ vai, nâng tay cao về phía trước quá lâu.
– Thực hiện quá mức các động tác lặp lại như đánh máy, làm trong các dây chuyền sản xuất, mang vác vật nặng cao quá đầu hay ở một số vận động viên bơi lội, bóng chuyền.
Hội chứng lối ra lồng ngực thường phổ biến hơn ở phụ nữ và tiến triển trong độ tuổi từ 35 đến 55 tuổi.

II. Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng phụ thuộc vào cấu trúc nào bị chèn ép.
Khi đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép, bệnh nhân sẽ có các biểu hiện sau:
– Teo cơ ô mô cái (bàn tay Gilliatt-Sumner).
– Tê bì, dị cảm tại cánh tay hay các ngón tay.
– Đau nhức ở cổ, vai hoặc bàn tay.
– Lực nắm tay yếu.
Dấu hiệu và các triệu chứng của hội chứng lối ra lồng ngực khi các mạch máu thượng đòn bị chèn ép bao gồm:
– Da bàn tay xanh tím hoặc nhợt nhạt, chi lạnh.
– Cánh tay đau và sưng có thể do cục máu đông.
– Khi hoạt động tay nhanh bị mỏi.
– Mạch yếu hoặc không có mạch tại cánh tay hoặc cẳng tay.
– Tê bì, dị cảm ở các ngón tay.
– Yếu cánh tay, cổ.
– Ổ đập bất thường vùng xương đòn.
Người bệnh cần đi khám Bác Sĩ ngay khi có bất kì dấu hiệu, triệu chứng trên của hội chứng lối ra lồng ngực.
III. Chẩn đoán
Việc chẩn đoán hội chứng lối ra lồng ngực có thể gặp khó khăn do các triệu chứng và mức độ biểu hiện bệnh khá đa dạng, có sự khác nhau giữa các bệnh nhân có cơ chế tổn thương khác nhau. Để chẩn đoán, trước tiên cần dựa vào tiền sử, triệu chứng và các thói quen hoạt động kết hợp với các động tác thăm khám lâm sàng để phát hiện bất thường về màu sắc da, đánh giá triệu chứng đau, tầm vận động của chi ở các tư thế khác nhau và đề xuất cận lâm sàng phù hợp. 2 nghiệm pháp chính để thăm khám bao gồm nghiệm pháp Adson và test giữ thẳng tay lên cao.
– Nghiệm pháp Adson được thực hiện bằng cách tìm mạch quay ở bên tay bệnh trong tư thế ngửa cổ và đầu quay về bên bệnh. Nếu thấy mạch quay giảm đi thì gợi ý là hội chứng cơ bậc thang.
– Test giơ tay thẳng lên cao được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân đưa tay lên đầu, nằm và xòe bàn tay. Bình thường, bệnh nhân không bị hội chứng lối ra lồng ngực có thể thực hiện được nghiệm pháp này trong gần 3 phút, nếu bị hội chứng lối ra lồng ngực, bệnh nhân sẽ bộc lộ triệu chứng của bệnh trong vòng 30 giây.
*Chẩn đoán phân biệt
Các bệnh lý tủy cổ, cột sống và đĩa đệm đốt sống cổ có thể giả triệu chứng của hội chứng lối ra lồng ngực. MRI và EMG (Đo điện cơ) có thể giúp phân biệt rất nhiều bệnh lý nhưng các bác sĩ nên chú ý tới các bệnh lý có thể dẫn đến các triệu chứng ở bệnh nhân.
Bệnh rỗng tủy, u tủy cổ và u rễ dây thần kinh cổ khi nó thoát ra khỏi tủy sống (Ví dụ như: schwannoma) có thể khởi phát âm thầm và chẩn đoán khá phức tạp.
Cần phải chẩn đoán phân biệt với khối u ở tất cả các bệnh nhân không có chấn thương trước đó, đặc biệt khi bệnh nhân có tiền sử hút thuốc.
Thoát vị đĩa đệm bên cột sống cổ, khối u di căn, thoái hóa cột sống cổ cũng có thể gây chèn ép rễ thần kinh nên cần được cân nhắc xem xét.
Hiếm khi nhiễm trùng đỉnh phổi có thể gây chèn ép và kích thích đám rối cánh tay.
IV. Cận lâm sàng
Một số phương tiện giúp hỗ trợ và khẳng định chẩn đoán hội chứng lối ra lồng ngực:
– X-quang: xét nghiệm đầu tay để kiểm tra các bất thường hệ thống xương tại vùng nghi ngờ tổn thương, loại trừ các chẩn đoán phân biệt
– Siêu âm Doppler: kiểm tra khi bệnh nhân có dấu hiệu của hội chứng lối ra lồng ngực có tổn thương mạch máu và các bất thường mạch máu khác.
– Cắt lớp vi tính (CT Scan): cho hình ảnh trực quan và chi tiết hơn, kết hợp với chụp mạch để xác định vị trí và nguyên nhân chèn ép mạch máu
– Chụp Cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ giúp xác định các bệnh lí tủy cổ và bệnh lí rễ thần kinh cũng như là xương sườn cổ. Nếu chẩn đoán còn chưa chắc chắn, cần chụp MRI đám rối thần kinh cánh tay để phát hiện các quá trình bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm khối u nguyên phát của đám rối thần kinh hay có thể phát hiện một dải xơ bẩm sinh bất thường gây chèn ép các tổ chức gây ra các triệu chứng.
– Đo điện cơ: kiểm tra đánh giá hoạt động dẫn truyền thần kinh tại cơ khi co cơ và khi nghỉ ngơi, phát hiện các bất thường của dây thần kinh hay bất thường về cơ hoặc dẫn truyền của nơi tiếp xúc giữa dây thần kinh với cơ.
V. Điều trị
1. Điều trị bảo tồn
Khi bệnh nhân được chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị bảo tồn mang lại hiệu quả rất tích cực. Một số phương pháp điều trị bảo tồn như:
– Phương pháp vật lý trị liệu: Biện pháp đầu tay khi bệnh nhân được xác định hội chứng lối ra lồng ngực có tổn thương thần kinh. Người bệnh được hướng dẫn các bài tập giúp tăng cường sức mạnh, độ dẻo dai của cơ vùng vai để “mở lối thoát ngực”, giảm mức độ chèn ép thần kinh, mạch máu; cải thiện tầm vận động và tư thế khi vận động.
– Sử dụng thuốc điều trị nội khoa: bệnh nhân được kê đơn thuốc gồm các thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ; Nếu người bệnh còn có cục máu đông ở chi sẽ được điều trị bằng thuốc làm tan cục máu đông, thuốc chống tạo cục máu đông.
2. Điều trị can thiệp
Khi các phương pháp bảo tồn không làm cải thiện bệnh, hoặc người bệnh có các triệu chứng tổn thương thần kinh, mạch máu nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ được chỉ định các phương pháp can thiệp:
a, Phong bế đám rối thần kinh cánh tay
Phong bế đám rối thần kinh cánh tay bằng thuốc gây tê tại chỗ và steroid là một liệu pháp rất tốt, kết hợp với việc điều trị bằng thuốc cho những bệnh nhân bị hội chứng lối ra lồng ngực. Phương pháp này mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng khi chờ đợi các thuốc kể trên được chính đến liều hiệu dụng.
Phong bể khởi đầu bằng bupivacaine kết hợp với methylprednisolone. Các ngày tiếp theo của phong tê thần kinh được thực hiện tương tự bằng cách giảm liều methylprednisolon. Cách điều trị này có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau bất ngờ, đột ngột.
b, Phẫu thuật
Phụ thuộc vào cấu trúc bị chèn ép, phẫu thuật viên sẽ lựa chọn đường mổ phù hợp để tiếp cận tổn thương. Thông thường có 3 đường mổ được sử dụng tuỳ vào vị trí thương tổn bao gồm: đường mổ trên đòn, dưới đòn hoặc được xuyên nách. Đường mổ tiếp cận trên đòn, kết hợp với đường mổ dưới đòn cho các bệnh nhân hội chứng lối ra lồng ngực có chèn ép thần kinh, động mạch và tĩnh mạch; đường mổ xuyên nách được thực hiện nhiều trong điều trị ở bệnh nhân có chèn ép thần kinh và tĩnh mạch.
VI. Biến chứng
Nếu các triệu chứng của bạn không được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng lối ra lồng ngực có thể dẫn tới những biến chứng nghiêm trọng như:
– Hội chứng Raynaud.
– Tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng.
– Hoại tử ngọn chi.
VII. Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng lối ra lồng ngực?
Hội chứng lối ra lồng ngực có thể được hạn chế nếu bạn:
– Tập các bài tập ở nhà để củng cố và hỗ trợ các cơ.
– Tránh đè nặng không cần thiết trên vai và cơ xung quanh lối thoát ngực.
– Duy trì tư thế ngồi, đứng tốt.
– Nghỉ giải lao thường xuyên tại nơi làm việc.
– Duy trì cân nặng bình thường.
Ths.Bs Trần Quyết Trung tâm phẫu thuật khớp và Y học thể thao bệnh viện Tâm Anh Hà nội. Sđt 0964502886.