
- Gãy pilon là gì?
Pilon là 1 từ tiếng Pháp nghĩa là “cái chày”, nó được Etienne Destot, một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh người Pháp dùng để đặt tên cho 1 loại gãy hiếm và khó điều trị của xương chày từ năm 1911.
Gẫy Pilon là loại gẫy ở đầu dưới xương chày mà đường gãy đi vào diện khớp cổ chân, đây là loại gãy hiếm chỉ chiếm 7-10% các gãy xương chày và 1% các gãy xương của chi dưới.
Đây là loại gãy khó, thương tổn xương khớp phức tạp ảnh hưởng lớn tới chức năng của cẳng chân và khớp chày sên, một khớp chịu lực quan trọng của cơ thể. Sự tiếp khớp và trượt tốt giữa xương sên với đầu dưới xương chày và xương mác là quan trọng nhất trong khớp cổ chân. Khi chấn thương nếu mặt khớp di lệch 1mm thì khả năng chịu lực của khớp cổ chân giảm 20-40%. Vì vậy đòi hỏi phải có một phương pháp điều trị đúng cho loại gãy này.

2. Cơ chế gây ra gãy pilon
Đa số các bệnh nhân gãy Pilon sau một chấn thương mạnh nên gãy xương mác là 1 tổn thương kèm theo rất hay gặp ở loại gãy này. Cơ chế chân thương gây ra gãy Pilon gồm cơ chế nén ép sau khi bệnh nhân ngã từ trên cao, chống gót xuống nền cứng hoặc cơ chế xoắn vặn cổ chân trong khi bàn chân đang ở tư thế xoay trong hay xoay ngoài.
Về mặt giải phẫu, đầu dưới nhỏ hơn đầu trên, có mặt khớp dưới hướng xuống dưới tiếp khớp với xương sên và khuyết mác hướng ra ngoài tiếp khớp với đầu dưới xương mác. Đầu dưới kéo dài xuống thành một mỏm ở trong xương sên tạo nên mắt cá trong. Phần mềm ở vùng này của cẳng chân có rất ít cơ che phủ, và năng lượng của vụ tai nạn tác động trực tiếp vào các tổ chức phần mềm này, nên gãy hở rất hay gặp trong gãy pilon. Nhưng dù có vết thương hay không thì phần mềm vẫn cần được tôn trọng tối đa trong quá trình điều trị.
3. Triệu chứng lâm sàng
Bệnh nhân gãy Pilon thường đến khám sau một chấn thương với các triệu chứng như:
- Sưng đau, bầm tím cổ chân.
- Mất vận động cổ chân.
- Biến dạng cổ chân.
- Trong quá trình thăm khám cần chú ý đánh giá phần mềm (mức độ sung nề, phỏng nước, …) để không bỏ sót tổn thương mạch máu, thần kinh.
4. Cận lâm sàng
Chẩn đoán xác định dựa vào phim XQ và CT scanner. Phim XQ thường quy là đủ để chẩn đoán gãy Pilon. Tuy nhiên nên chụp CT scanner dựng hình để đánh giá toàn diện không gian 3 chiều, mặt khớp, mức độ di lệch, và phân độ của tổn thương.
5. Phân loại gãy Pilon
Có 2 phân độ được sử dụng cho gãy Pilon: phân loại của AO cho gãy đầu dưới xương chày và phân loại của Ruedi và Allgower. Trong đó phân loại của Ruedi và Allgower hay được dụng do dễ dử dụng và áp dụng được ở nhiều tuyến.
Type I: Mặt khớp không hoặc ít di lệch
Type II: Mặt khớp di lêch, nhưng không vỡ nhiều mảnh
Type III: Mặt khớp di lệch nhiều, vỡ nhiều mảnh
6. Điều trị
Có thể điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Trong đó điều trị bằng phẫu thuật ngày càng phổ biến. Với các kỹ thuật như kết hợp xương vững chắc, phục hồi tốt giải phẫu xương gẫy, các dây chằng bị tổn thương, đặt lại khớp chầy sên. Giúp cho khớp được hoạt động sớm, hạn chế được các di chứng chấn thương gặp phải khi điều trị bảo tồn.

Điều trị bảo tồn:
Chỉ định trong trường hợp gãy không di lệch, trên bệnh nhân có bệnh cấp tính (viêm phổi, đa chấn thương, …). Hoặc các bệnh nhân có nguy cơ cao tổn thương phần mềm trong và sau mổ (đái tháo đường, bệnh mạch máu, thần kinh, …). Bó bột cẳng bàn chân 4 đến 6 tuần, kiểm tra định kỳ bằng phim chụp XQ, tập phục hồi chức năng sau tháo bột.Tỷ lệ di lệch thứ phát và cal lệch cao, hiện nay ít sử dụng
Cố định ngoài:
Chỉ định trong trường hợp gãy hở, hoặc tổn thương phần mềm nặng, cần chờ để hồi phục phần mềm rồi mổ thì 2 kết hợp xương.
Mở ổ gãy, kết hợp xương bên trong:
Vẫn là phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả cho gãy Pilon, có thể mổ thì đầu hoặc thì 2 sau khi kéo liên tục hay cố định ngoài. Nếu mổ thì đầu, một số tác giả khuyến cáo nên điều trị nội cho phần mềm ổn định rồi mới mổ kết hợp xương. Có thể đi đường trước trong hoặc trước ngoài cho kết quả tương tự. Trong mổ có thể nắn chỉnh kiểm soát hoàn hảo mặt khớp. Kết hợp xương vũng chắc bằng nẹp vít, vít xốp hoặc néo ép, tùy hình thái ổ gãy.
Nắn kín, kết hợp xương bên trong dưới màn hình tăng sáng:
Chỉ định trong trường hợp gãy đơn giản, di lệch ít hoặc không di lệch. Ưu điểm là hạn chế tối đa can thiệp vào phần mềm, quá trình liền xương sinh lý, hạn chế chày máu và đau vết mổ. Nhược điểm là chỉ định hạn chế, độc hại cho nhân viên y tế và ít cơ sở có thể thực hiện.
Ths.Bs Trần Quyết – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao bệnh viện Vinmec Timescity Hà Nội sdt 0964502886.