Xơ hoá và co rút cân gan tay (Dupuytren’s contracture)

I. Tổng quan về bệnh dupuytren’s contracture
Vào năm 1833, Guillaume Dupuytren (1777-1835) – nhà Giải phẫu học và Ngoại khoa nổi tiếng người Pháp ở thế kỉ XIX, đã lần đầu tiên mô tả một bệnh lý rối loạn xơ hóa mô mềm của gan bàn tay, và sau đó được gọi bằng chính tên của ông: “Dupuytren’s contracture”. Bệnh lý xuất phát từ sự dày lên và co rút lớp cân gan tay, dẫn tới tình trạng một hoặc nhiều ngón tay bị co rút, gấp vào lòng bàn tay, mất dần khả năng duỗi các ngón.

Hình 1: Xơ hoá nặng cân gan tay

Co rút ngón tay Dupuytren là một bệnh lý hiếm gặp ở chủng tộc người châu Á và châu Phi, nhưng lại rất phổ biến ở các nước Bắc Âu (người Scandinavian và Celtic), thậm chí 30% nam giới trên 60 tuổi ở Na Uy xuất hiện tình trạng này. Do đó còn có tên khác là bệnh Viking (Viking disease).

Nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa được biết chính xác, tuy nhiên các yếu tố nguy cơ bao gồm:
– Tuổi: trên 50
– Giới: Nam nhiều hơn gấp ba lần ở nữ và cũng có nguy cơ tiến triển nặng hơn.
– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
– Hút thuốc, đặc biệt là những người hút trên 25 điếu/ngày
– Nghiện rượu
– Người mắc bệnh tiểu đường hoặc động kinh
– Người lao động chân tay, sử dụng dụng cụ máy móc rung mạnh

Bệnh Dupuytren thường diễn biến theo 3 giai đoạn:
– Giai đoạn tăng sinh: Bắt đầu xuất hiện nốt nhỏ xơ hóa ở lòng bàn tay.
– Giai đoạn giai đoạn xâm lấn: Xơ hóa tiến triển dọc theo dải cân lan tới các ngón tay tạo thành các đường xơ hóa.
– Giai đoạn 3: bệnh thường tiến triển nặng hơn, một số ít trường hợp có thể ổn định và thậm chí thoái lui.

Hình 2: Mô phỏng xơ hoá và co rút cân gan tay


II. Triệu chứng
Người bệnh thường có các biểu hiện sau:
– Giảm tầm vận động của các ngón tay
– Mất đi sự linh hoạt, khéo léo của các động tác
– Cảm nhận có một nút thắt hay sự dày lên tại lòng bàn tay trong nhiều năm và dần tiến triển nặng
– Một số trường hợp có kèm ngứa rát tại chỗ, tuy nhiên hiếm khi gây đau.
– Tần suất xuất hiện ở các ngón là: Nhẫn > út > giữa > trỏ.
Thăm khám thực thể có một số dấu hiệu lưu ý sau:
– Các nốt cứng dính chặt vào da, nếu khi gấp duỗi ngón chuyển động cùng ngón tay thì gợi ý các bệnh lý gân cơ và loại trừ do Dupuytren.
– Da trắng bệch tại vị trí xơ hoá khi duỗi bàn tay hoàn toàn.
– Có các rãnh hoặc hố teo trên da, có thể dính chặt vào lớp cơ bên dưới.
– Có nốt Garrod là các miếng đệm ở phía sau của khớp liên đốt gần, ghi nhân trên 44-54% bệnh nhân và gợi ý tình trạng nặng của bệnh.
– Co cứng khớp liên đốt gần ngón tay.
– Nghiệm pháp Hueston: yêu cầu người bệnh đặt duỗi bàn tay trên mặt bàn, nếu không thể đặt phẳng hoàn toàn thì cho kết quả dương tính.

Hình 3: Vị trí xơ hoá chuyển màu trắng khi cho người bệnh duỗi tay hoàn toàn

Cần phân biệt bệnh Dupuytren với một số bệnh lý như:
– Bệnh tiểu đường

– Sarcoma biểu mô

– Fibroma

– Khối u tế bào khổng lồ

– Bệnh khớp nội tại

– Lipoma

– U sợi thần kinh

– Bệnh u xơ cơ bàn tay (Palmar fibromatosis)

– Viêm gân lòng bàn tay

– Hạt tophi ở bệnh nhân gout

III. Các phương pháp điều trị
Bệnh nhân mắc bệnh Dupuytren có nhiều lựa chọn điều trị, có thể chọn phẫu thuật hoặc không phẫu thuật, phần lớn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, mức độ biến dạng và hạn chế chức năng.
1.  Lựa chọn theo dõi: ở các bệnh nhân Dupuy tren không tiến triển, không đau, sự co rút tối thiểu và không bị suy giảm chức năng vận động, có thể lựa chọn theo dõi, tái khám sau 6-12 tháng một lần.

2. Vật lý trị liệu: Giai đoạn đầu có thể vật lý trị liệu bằng nhiệt hoặc sóng siêu âm, sử dụng nẹp tùy chỉnh để tăng độ duỗi các ngón. Bài tập vận động (ROM) cần thực hiện nhiều lần trong ngày.

3. Tiêm thuốc tiêu sợi collagenase: tiêm cục bộ thuốc vào các nốt, dây xơ có tác dụng làm suy giảm và tan các dây xơ Dupuytren. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu.

4. Ngoài ra cũng có thể tiêm corticoid, chiếu xạ cho người bệnh để điều trị.

5.  Phẫu thuật: Mục tiêu của chăm sóc phẫu thuật là loại bỏ các cân mạc bị xơ hóa giúp ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

6.  Cắt cân gan tay kín bằng kim qua da: Cắt cân bằng kim qua da (PNF) là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu dưới gây tê tại chỗ. Tuy nhiên chống chỉ định trên các bệnh nhân có bệnh nhiễm trùng, dây xơ quá phức tạp, và nguy cơ tái phát nhanh ở các bệnh nhân trẻ tuổi.

Ths.Bs Trần Quyết – khoa Phẫu thuật chi trên – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times city sdt 0964502886.

Trần Quyết
We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply