Rách sụn chêm khớp gối Nên mổ hay không mổ

các hình thái rách sụn chêm khớp gối

Tổng quan về rách sụn chêm khớp gối

Mỗi khớp gối có 2 sụn chêm bao gồm sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Sụn chêm là thành phần có cấu trúc sụn sợi phức tạp có chức năng phân tán lực, giảm lực ép trực tiếp do trọng lực cơ thể xuống sụn khớp mâm chày. Khi chức năng của sụn chêm suy giảm hoặc có rách sụn chêm sẽ dẫn đến nhanh hỏng sụn khớp mâm chày từ đó nguy cơ thoái hóa khớp gối sẽ tăng lên.

Sụn chêm bình thường: Sụn chêm trong hình chữ C, sụn chêm ngoài hình chữ O

Phân loại rách sụn chêm: Dựa vào tính chất cấp máu, sụn chêm chia ra 3 vùng
Vùng giàu mạch máu nuôi: Chiếm 1/3 ngoài (bờ bao khớp), vùng này có đầy đủ mạch máu nuôi, rách vùng này dễ phục hồi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng.
Vùng trung gian: Ở 1/3 giữa, mạch máu bắt đầu giảm dần, tổn thương có thể lành khi điều trị đúng nhưng kết quả thấp hơn vùng 1/3 ngoài.
Vùng vô mạch: 1/3 trong (bờ tự do), không có mạch nuôi, rách ở đây không có khả năng phục hồi, thường không có khả năng liền sụn.

Các hình thái rách sụn chêm khớp gối

Những dấu hiệu rách sụn chêm
Có thể nghe tiếng “tách” khi sụn chêm rách. Hầu hết bệnh nhân vẫn bước đi bình thường, cầu thủ bóng đá vẫn chơi hết trận ngay sau rách sụn chêm. Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày sau gối dần dần sưng lên và cảm giác mất linh hoạt gối.
Các triệu chứng thường gặp của rách sụn chêm: đau gối; sưng và hạn chế vận động gối; khớp gối bị kẹt, hoặc có tiếng lục cục trong khớp khi vận động; gối không thể gấp duỗi hết tầm; khi khám: ấn vào khe khớp bệnh nhân đau; nghiệm pháp Mac Murray và Appley dương tính.

Rách sụn chêm có nên mổ không?

Hoàn toàn nên mổ vì những phiền toái của việc rách sụn gây ra ảnh hưởng rất lớn đến chức năng và sinh hoạt của người bệnh như:
– Gây đau: khi bệnh nhân đi lại, diện rách của sụn chêm sẽ bị ép và cọ xát liên tục vào lồi cần đùi cũng như mặt mâm chày khiến bệnh nhân có cảm giác đau khi bước đi.
– Kẹt khớp: theo thời gian, do sự cọ xát, vết rách của sụn chêm sẽ ngày càng lớn. Đến 1 mức nhất định, phần bị rách sẽ mất vững và di trú vào giữa khớp gối, dẫn đến hiện tượng kẹt khớp khi đi lại, đặc biệt là động tác leo dốc hay bước lên cầu thang
– Thoái hóa gối: Như đã nói ở trên, chức năng phân tán lực của sụn chêm là rất quan trọng với khớp gối. Khi sụn chêm bị tổn thương, chức năng này bị giảm hoặc mất đi, làm tăng nguy cơ thoái hóa gối sớm.

Rách sụn chêm quan sát qua nội soi khớp gối

Phẫu thuật rách sụn chêm như thế nào?
Đây là câu hỏi các phẫu thuật viên phải đặt ra sau khi quyết định phẫu thuật sửa chữa sụn chêm. Trước đây, với sự hạn chế của các trang thiết bị, khâu sụn chêm là 1 kĩ thuật khó, đòi hỏi trình độ rất cao của phẫu thuật viên. Vì vậy, đa phần các phẫu thuật viên sẽ lựa chọn phương án cắt bỏ phần rách của sụn chêm. Phương án này sẽ giúp BN giải quyết được triệu chứng đau và kẹt khớp, nhưng đồng thời làm mất 1 phần hoặc hoàn toàn chức năng của sụn chêm, dẫn đến nguy cơ thoái hóa gối sớm.

Sụn chêm rách được khâu qua nội soi khớp gối

Hiện nay với sự phát triển của các dụng cụ phẫu thuật, việc khâu sụn chêm đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều, đa phần các trường hợp đều có thể khâu phục hồi, làm giảm nguy cơ thoái hóa gối cho bệnh nhân.

Ths.Bs Trần Quyết khoa Chấn Thương Chỉnh Hình và Y Học Thể Thao bv đa khoa Xanh Pôn Hà Nội.

Trả lời