CHĂM SÓC VẾT MỔ SAU KHI RA VIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Đôi khi tưởng chừng như mổ xong thì coi như cuộc mổ đã hoàn tất và chúng ta có thể chờ đợi kết quả. Nhưng không! còn rất nhiều việc phải làm để giúp cho cuộc mổ có kết quả tốt nhất. Và một trong những việc đó là vấn đề chăm sóc vết mổ sau khi ra viện. Vậy chúng ta cần lưu ý những vấn đề gì để chăm sóc vết mổ tốt nhất sau khi ra viện? Dưới đây sẽ là những kiến thức cơ bản nhất mà người bệnh nào cũng có thể tự mình làm được.

1. Sau bao lâu cần thay băng vết mổ?

Điều này phụ thuộc vào tình trạng vết mổ, phương pháp phẫu thuật, vị trí phẫu thuật mà bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên chính xác nhất. Việc thay băng mới nhằm tránh mô mới mọc ăn sâu vào băng cũ và đảm bảo vệ sinh cho vết mổ. Thông thường thay băng ít nhất 1 lần/ngày . (Tuỳ tình trạng cụ thể vết mổ mà sẽ làm theo hướng dẫn của bác sĩ).
 Khi tháo băng cần lưu ý:

  • Tháo băng đúng cách: Chỉ nên chạm vào phần băng còn sạch. Có thể sử dụng dụng cụ để kẹp lấy băng tránh nhiễm trùng thứ phát, sát khuẩn tay sạch trước và sau khi thay băng.
  • Không làm ướt hoặc làm bẩn băng.
Vết mổ sau phẫu thuật bàn tay

2. Cách vệ sinh vết khâu

Đầu tiên, sử dụng vải sạch hoặc miếng gạc thấm với nước muối sinh lí. Sau đó lau nhẹ nhàng hoặc chấm nhẹ trên bề mặt vết thương với nguyên tắc rửa vết thương trước, vùng da xung quanh sau. Chú ý các đường chỉ, chân chỉ khâu là nơi tập trung nhiều vi khuẩn. Không chà sát mạnh khi rửa vết khâu.

Không sử dụng dung dịch tẩy rửa, xà phòng kháng khuẩn, cồn iod hay nước ôxi già bởi các dung dịch này chỉ dùng cho các vết thương bẩn, có mủ viêm và làm chậm quá trình liền vết mổ. Bệnh nhân cũng không nên bôi kem, bột kháng sinh, hay các thảo dược lên vết mổ. Băng lại vết mổ bằng băng sạch. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng nhằm tránh để lại sẹo thâm.

3. Sau mổ bao lâu thì được tắm?

Tránh để vết mổ bị dính ướt trong 24h đầu sau phẫu thuật. Chỉ nên sử dụng khăn ẩm lau người. Tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà bác sĩ sẽ đưa lời khuyên cho bệnh nhân và nếu cần thiết người bệnh có thể tắm sau ngày thứ hai.
Lưu ý khi bệnh nhân nên tắm nhanh dưới vòi hoa sen, tránh để nước bẩn, xà phòng rơi vào vùng vết mổ. Không ngâm nước hoặc rửa vết mổ trực tiếp bằng xà phòng khi vết mổ còn đang liền bởi sẽ làm mềm, hở vết mổ và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Sau khi tắm, nhanh chóng lau khô bằng khăn sạch. Lúc này là thời điểm thích hợp để thực hiện thay băng vết thương.

4. Sau mổ có cần hạn chế vận động?
Bệnh nhân không nên nằm lâu tại giường. Thay vào đó là nên tập vận động nhẹ nhàng để tránh các biến chứng do nằm lâu như viêm phổi, tạo huyết khối tĩnh mạch sâu, loét tỳ đè… Tránh các cử động mạnh, tạo áp lực trên vết mổ làm tăng nguy cơ bục vết khâu.

5. Cần làm gì khi vết mổ chảy máu?

Khi thấy vết thương chảy máu thấm băng, hãy tiến hành băng ép thêm để cầm máu. Khi thấy máu không còn chảy thấm ra băng nữa thì tiến hành thay băng mới.
Trong trường hợp quan sát thấy máu ra từ vết thương đã khâu với lượng nhiều, khó cầm, bệnh nhân nên quay trở lại bệnh viện càng sớm càng tốt.

6. Khi nào có thể rút chỉ?

Thời gian cắt chỉ phụ thuộc vào vị trí và tình trạng vết khâu ở mỗi bệnh nhân. (Gồm khả năng chịu lực nội tại của vết thương, lực căng hai mép của vết thương). Trung bình vào khoảng 1 – 2 tuần sau phẫu thuật hoặc có thể kéo dài từ 2 – 3 tuần đối với vết khâu chịu lực. 

Thời gian cắt chỉ vẫn nên cần sự tư vấn và kiểm tra của Bác sĩ phẫu thuật. Thông thường sẽ vào khoảng sau:

  • Mặt: 5 – 7 ngày.
  • Cổ: 7 ngày.
  • Da đầu: 10 ngày.
  • Vùng thân và chi trên: 10 – 14 ngày.
  • Chi dưới: 14 – 21 ngày.

Các vết khâu để càng lâu (trên 14 ngày) thì khả năng để lại sẹo càng cao. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên nôn nóng yêu cầu cắt chỉ trước thời hạn. Trường hợp vết thương chưa lành mà tiến hành cắt chỉ sớm thì tình trạng vết thương có thể trở nên xấu hơn, làm thời gian bình phục kéo dài hơn so với thông thường. Ngược lại, nếu cắt chỉ quá muộn có thể dẫn đến nhiễm trùng vết thương và tạo ra hiện tượng biểu mô hoá quanh sợi chỉ, làm cho sẹo có hình xương cá.

7. Khi nào cần khám lại vết mổ?

Bệnh nhân cần báo lại bác sĩ phẫu thuật hoặc đến tái khám sớm nếu bạn thấy vết thương sau phẫu thuật có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau đây:

  • Đau tăng dần.
  • Đỏ hoặc sưng tấy.
  • Chảy máu hoặc chảy mủ.
  • Tăng tiết dịch từ vết thương.
  • Có mủ, mùi hôi.
  • Vết thương rộng hơn, sâu hơn.
  • Bung chỉ khâu.
  • Vùng da xung quanh phù nề, sưng đau hay ấn thấy phập phều.
  • Toàn thân mệt mỏi, lừ đừ.
  • Sốt cao.

Những biểu hiện trên gợi ý vết mổ sau phẫu thuật có thể đã bị nhiễm trùng. Việc điều trị lúc này không thể tiếp tục tại nhà mà cần phải được nhân viên y tế vệ sinh vết thương một cách chuyên nghiệp. Đôi khi cần phải dùng thêm kháng sinh đường toàn thân. Trong một số ít trường hợp, Bác Sĩ phẫu thuật cần phải tháo chỉ để thăm dò nguy cơ nhiễm trùng vết mổ từ bên trong.

Vì vậy, điều quan trọng nhất giúp vết mổ sớm ổn định cũng như mang lại kết quả tốt nhất cho cuộc mổ vẫn là khám lại định kỳ và tuân thủ triệt để theo hướng dẫn của Bác Sĩ phẫu thuật.

Ths.Bs Trần Quyết. Phòng khám 401 Trung tâm Phẫu thuật Khớp và Y học thể thao bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Số 108 Hoàng Như Tiếp, Long Biên, Hà Nội. Sđt 0964502886.

Trần Quyết
We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply