Xương sên đứng dọc bẩm sinh (Congenital Vertical Talus)

  1. Thế nào là xương sên đứng dọc bẩm sinh

Xương sên đứng dọc bẩm sinh (congenital vertical talus) là một dị tật hiếm gặp của bàn chân, thường được chẩn đoán ngay sau sinh. Tần suất mắc bệnh khoảng 1:10000 trẻ, tỉ lệ mắc ở nam và nữ như nhau, có thể bị ở một hoặc cả hai chân. Biểu hiện của bệnh giống như một trường hợp rất nặng của bàn chân bẹt (flatfoot).

Hình ảnh biến dạng cổ bàn chân trong dị tật xương sên đứng dọc (internet)

Xương sên là một xương nhỏ ở vùng cổ bàn chân, nằm giữa đầu dưới xương chày, xương mác (cẳng chân) và xương gót. Xương sên kết nối phần đầu dưới cẳng chân với bàn chân, trục của nó thường hướng về phía các ngón chân. Trong bệnh lý xương sên đứng dọc, trục xương sên hướng xuống dưới.

Do trục xương sên nằm sai hướng (quay xuống dưới), các xương bình thường nằm phía trước xương sên thì giờ lại nằm phía trên xương sên. Phần đầu xương sên quay xuống dưới tạo nên một chỗ lồi ra ở phía gan bàn chân, trong khi phần bàn chân trước lại quay hướng lên trên tạo nên kiểu biến dạng bàn chân đặc trưng mà thường được gọi là “chân ghế đu” (vì có hình dáng như chân ghế đu).

Xương sên đứng dọc bẩm sinh có thể đơn độc hoặc đi kèm các dị tật khác như cứng khớp, nứt đốt sống, hoặc các bệnh lý thần kinh khác. Do đó, khi khám bệnh nhân xương sên đứng dọc, bác sĩ thường làm thêm một số thăm dò khác.

Biến dạng của xương sên đứng dọc bẩm sinh

Có một dạng nhẹ hơn của biến dạng này gọi là xương sên chếch. Ở trẻ em bị xương sên chếch, trục xương sên nằm sai hướng khi chịu tải lực, nhưng khi duỗi thẳng (gấp gan) bàn chân hết cỡ trục này lại đúng vị trí. Bàn chân kiểu này biến dạng nặng hơn bàn chân bẹt, nhưng nhẹ hơn bàn chân xương sên đứng dọc.

2. Dấu hiệu nhận biết

Dị tật xương sên đứng dọc có thể nhận biết ngay lúc mới sinh do dấu hiệu bàn chân kiểu “chân ghế đu” đặc trưng. Phần giữa bàn chân lồi xuống trong khi phần trước và sau của bàn chân lại hướng lên. Khi tập đi trẻ sẽ đi bằng phần trong của bàn chân, trong khi phần ngoài sẽ bị nhấc lên khỏi mặt đất.

3. Chẩn đoán dị tật xương sên đứng dọc bẩm sinh

Xương sên đứng dọc thường được chẩn đoán ngay lúc sinh, tuy nhiên một số trường hợp có thể phát hiện qua siêu âm thai kỳ. Việc khám bàn chân là rất quan trọng. Bác sĩ thường sờ nắn các xương ở bàn chân để xem các biến dạng là “cứng” hay “mềm”. Một số trẻ em bình thường ở tuổi tập đi hoặc lớn hơn có bàn chân rất phẳng khi đứng.

Phim chụp X-quang thường được chỉ định, đặc biệt là x-quang ở tư thế duỗi thẳng bàn chân (gấp gan chân). Các phim này giúp bác sĩ xác định các xương ở trước xương sên có thẳng hàng không hay nằm ở phía trên xương sên.

Xquang của xương sên đúng dọc bẩm sinh (internet)

4. Điều trị xương sên đứng dọc bẩm sinh

Mục tiêu điều trị của dị tật này là giảm đau, làm vững bàn chân và cải thiện chức năng bàn chân. Ban đầu, xương sên đứng dọc có thể không gây đau, nhưng nếu không điều trị, bàn chân sẽ tiếp tục biến dạng và trẻ sẽ đau khi bắt đầu đi lại. Da ở vùng gan chân lồi ra có thể bị chai hoặc loét, khiến cho việc mang giày và đi lại gặp khó khăn

Điều trị không phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật là cần thiết cho dị tật xương sên đứng dọc. Tuy nhiên, trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể khuyến cáo cho bệnh nhân điều trị bằng việc kéo giãn và bó bột để cải thiện sự mềm dẻo của bàn chân. Việc này sẽ giúp cho việc phẫu thuật nhẹ nhàng hơn, hoặc trong một số trường hợp có thể giúp không cần phẫu thuật. Điều trị bằng bó bột đòi hỏi bệnh nhân phải đến khám nhiều lần vì bột cần được thay hằng tuần trong vài tháng. Kỹ thuật bó bột này có thể giúp bàn chân duỗi thẳng dần dần mà không gây quá nhiều áp lực vào bất cứ phần nào của bàn chân.

Điều trị phẫu thuật

Nếu điều trị không phẫu thuật thất bại, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật. Nếu biến dạng được sửa chữa một phần, phẫu thuật có thể chỉ hạn chế ở vùng bàn chân sau. Tuy nhiên nếu các biến dạng vẫn kiểu “cứng nhắc”, sẽ phải can thiệp rộng hơn và thường thực hiện trước khi trẻ được 1 tuổi.

ThS.BS Trần Quyết khoa Chi Trên trung tâm Chấn Thương Chỉnh Hình và Y học Thể Thao bệnh viện đa khoa Quốc Tế Vinmec TimesCity. SĐT: 0964502886. Nguồn sưu tầm: Trung tâm CTCH và YHTT.

Trần Quyết
We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply