- Tổng quan
- Xương bả vai nhô cao là một rối loạn chức năng liên quan đến sự ổn định của xương bả vai gây ra tình trạng mất cân bằng và chuyển động bất thường của xương bả vai. Đây là tình trạng hiếm gặp nhưng không khó để phát hiện trên lâm sàng. Xương bả vai nhô cao có thể gặp dạng bẩm sinh (ở trẻ em) hoặc mắc phải (người lớn), trong khuôn khổ bài này chỉ trình bày dạng mắc phải mà không phải do nguyên nhân bẩm sinh.
- Chẩn đoán được thực hiện trên lâm sàng là chính với sự co rút và nhô cao quá mức của xương bả vai ở trung gian (medial winging) hoặc sự nhô cao quá mức của xương bả vai sang một bên (lateral winging).
- Điều trị ưu tiên vẫn là bảo tồn với vật lý trị liệu kết hợp với điều chỉnh tư thế và thay đổi hoạt động hàng ngày để hạn chế tổn thương. Phẫu thuật đặt ra khi điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc có nguyên nhân gây tổn thương cơ học cho thần kinh hoặc cơ nội tại.
Dịch tễ
- Khi tổn thương các cơ này sẽ có các biểu hiện rối loạn chuyển động của xương bả vai biểu hiện trên lâm sàng. Trong đó, tổn thương cơ răng trước do tổn thương thần kinh ngực dài là thể hay gặp nhất trên lâm sàng.
- Thần kinh ngực dài có bản chất là đi nông, mỏng dẹt và dài (trung bình 24cm) và nằm ở mặt bên của thành ngực nên rất dễ bị tổn thương trước các tác động cơ học hoặc vật lý.
- Có 2 loại xương bả vai nhô cao hay gặp trên lâm sàng phụ thuộc vào hướng của góc trên trong của xương bả vai.
- Xương bả vai nhô cao ở trung tâm (medial scapular winging).
- Nguyên nhân gây ra loại này chủ yếu là do rối loạn chức năng của của cơ răng trước do tổn thương thần kinh ngực dài (thần kinh chi phối cơ răng trước), hoặc do tổn thương nội tại cơ rang trước. Đây là loại hay gặp nhất trên lâm sàng. Nguyên nhân ít gặp hơn là do rối loạn chức năng cơ hình thoi và cơ tròn bé. Loại này hay gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi.
- Xương bả vai nhô cao sang bên (lateral scapular winging)
- Nguyên nhân gây ra loại này là do rối loạn chức năng cơ thang do tổn thương thần kinh gai sống XI (thần kinh chi phối). trên lâm sàng sẽ quan sát thấy góc trên trong của xương bả vai nghiêng hẳn về 1 bên. Loại này ít gặp trên lâm sàng, thường liên quan đến các phẫu thuật vùng cổ.
Nguyên nhân gây ra xương bả vai nhô cao
- Chấn thương (hay gặp nhất)
- Chấn thương trực tiếp hoặc gián tiếp tác động vào thần kinh ngực dài hoặc tác động trực tiếp lên cơ răng trước, cơ thang hoặc cơ hình thoi đều gây ra sự chuyển động bất thường của xương bả vai.
- Các vi chấn thương lặp đi lặp lại gây căng giãn thần kinh rất hay gặp, động tác dơ tay lên cao, ném lặp đi lặp lại ở động viên cử tạ hoặc ném lao…
- Chèn ép thần kinh do cơ hoặc đè vật nặng lên vai nhiều lần (gãy xương gây can lệch hoặc mảnh gãy chèn ép vào thần kinh)…
- Chấn thương liên quan đến phẫu thuật hoặc vết thương thấu ngực gây tổn thương trực tiếp lên thần kinh (đứt, rách)…
- Tổn thương nội tại của thần kinh
- Viêm dây thần kinh
- Tổn thương thần kinh liên quan đến 1 số thuốc…
- Teo dây thần kinh do bệnh của của các nơ ron thần kinh…
Biểu hiện lâm sàng
- Đau mỏi vai mơ hồ, không rõ điểm đau
- Yếu khi thực hiện các động tác nâng vai
- Khó chịu khi ngồi tựa lưng vào ghế
- Biểu hiện rõ nhất khi quan sát trên lâm sàng là yêu cầu người bệnh dơ tay lên cao, quan sát phía sau thấy xương bả vai bên tổn thương bị nhô cao bất thường. Người bệnh thấy nhanh mỏi tay và yếu cơ ở vai bên tổn thương.
Các phương tiện cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán bệnh
- Điện thần kinh cơ. Đây là chỉ định quan trọng nhất để khẳng định có tổn thương thần kinh hay không. Tuy nhiên nếu Bác Sĩ lâm sàng định hướng tốt được nguyên nhân tổn thương thì sẽ giúp cho người làm điện cơ định hướng rõ được vị trí của tổn thương thần kinh.
- Cộng hưởng từ. Cũng rất quan trọng để đánh giá có tổn thương cơ hay không. Nếu có tổn thương cơ thì trên MRI sẽ thấy rõ.
- Ngoài ra có thể làm thêm các cận lâm sàng khác như Xquang, CT để tìm nguyên nhân có do gãy xương hoặc do u xương gây chèn ép thần kinh hay không.
Điều trị
- Mục tiêu của điều trị nhằm phục hồi lại chức năng của thần kinh và cơ bị tổn thương nhằm phục hồi hình dáng và chức năng bình thường của xương bả vai.
- Vẫn bao gồm 2 phương pháp điều trị chính là bảo tồn và phẫu thuật. Trong đó điều trị bảo tồn luôn được ưu tiên.
- Điều trị bảo tồn. Là phương án được ưu tiên trước khi có chỉ định phẫu thuật. Các phương án như vật lý trị liệu, điều chỉnh động tác khi vận động và theo dõi hồi phục. Người bệnh cần kiên trì điều trị và phối hợp cùng Bác Sĩ, thời gian hồi phục sẽ tương đối dài, thường ngoài 6 tháng, có người bệnh hồi phục hoàn toàn sau 24 tháng. Tiên lượng với điều trị bảo tồn là rất tốt.
- Điều trị phẫu thuật. Chỉ định của phẫu thuật bao gồm:
- Thất bại khi điều trị bảo tồn. Thất bại khi ngoài 6 tháng không có dấu hiệu phục hồi. Các tác giả khuyên nên chờ khoảng 24 tháng nếu không phục hồi sau điều trị bảo tồn thì mới can thiệp phẫu thuật
- Điện cơ và hình ảnh có dấu hiệu chèn ép thần kinh, cần phẫu thuật sớm để giải phóng chèn ép.
- Tổn thương thực thể tại cơ như đứt cơ cẩn phẫu thuật sửa chữa và phục hồi cơ sớm…
- Các phương án phẫu thuật bao gồm:
- Phong bế thần kinh ngực dài hoặc thần kinh gai sống (neurolysis), mục đích chính là giảm đau và cải thiện tình trạng run tay, có tác dụng khá tốt trong cải thiện sức cơ vùng vai.
- Chuyển cơ ngực lớn trong trường hợp tổn thương cơ răng trước, chuyển đầu xương ức của cơ ngực lớn đến thay thế điểm bám vào xương bả vai của cơ răng trước. Chuyển cơ nâng vai và cơ hình thoi trong trường hợp tổn thương cơ thang.
- Chuyển thần kinh. Dùng nhánh bên của thần kinh ngực lưng đến thay thế cho thần kinh ngực dài. Thực hiện bằng kỹ thuật vi phẫu.
- Hợp nhất xương bả vai với xương sườn. Ít áp dụng vì nhiều biến chứng. Chỉ áp dụng khi các phẫu thuật khác thất bại, mục đích chính là giảm đau.
Điều trị theo phương pháp nào phụ thuộc vào thời gian, vị trí và tính chất của tổn thương mà Bác Sĩ có thể áp dụng cho từng người bệnh cụ thể.
ThS.BS Trần Quyết. Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec. Số 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sđt 0964502886.