
I. Tổng quan về thoái hoá khớp ức đòn
Khớp ức đòn là khớp nối giữa xương ức và xương đòn, là khớp duy nhất kết nối xương chi trên với xương trục cơ thể. Bản chất là một khớp trượt hoạt dịch có đĩa sụn sợi, 2 mặt khớp tiếp xúc với nhau khoảng 50%. Khớp được giữ vững bởi các cấu trúc dây chằng: dây chằng bao khớp sau (thành phần quan trọng nhất để giữ vững trước-sau), dậy chằng ức đòn trước, dây chằng sườn đòn, đĩa nội sụn. Sự vận động của khớp di chuyển lên trên-xuống dưới với động tác nâng-hạ, tầm vận động từ 30-40 độ; ra trước và ra sau trên mặt phẳng ngang với tầm vận động khoảng 30-35 độ mỗi hướng. Do đó, các vận động của đai vai đều gián tiếp tác động khớp ức đòn.
Thoái hoá khớp ức đòn thường do nhiều nguyên nhân dẫn đến, bao gồm cơ chế chấn thương, di truyền và loạn dưỡng. Trên phim chụp, khoảng 90% các bệnh nhân trên 50 tuổi cho thấy các bằng chứng về hình ảnh của thoái hoá khớp ức đòn, tuy nhiên rất hiếm khi biểu hiện thành triệu chứng.

II. Triệu chứng của thoái hoá khớp ức đòn
– Đau tại vùng khớp ức đòn ngay cả khi nghỉ ngơi, đau tăng khi giạng cánh tay quá 60 độ.
– Sưng tại khớp, đôi khi bệnh nhân đã hết đau nhưng dấu hiện sưng vẫn tiếp diễn, khi tiến hành khám sẽ thấy sự nhô ra, không cân xứng 2 bên tại đầu trong xương đòn.
– Có tiếng lục cục bất thường tại khớp khi vận động.
Thoái hoá khớp ức đòn cần được chẩn đoán phân biệt với 1 số bệnh:
– Viêm khớp ức đòn thứ phát ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp.
– Gout.
– Nhiễm trùng khớp, viêm khớp.
– Bệnh viêm cột sống dính khớp (viêm cột sống huyết thanh âm tính).
– Đau do bệnh lý ở vai, cột sống cổ.

III. Cận lâm sàng:
Để chẩn đoán người bệnh cần được chụp Cắt lớp vi tính. Trên phim của bệnh nhân cho thấy hình ảnh của gai xương tại bờ khớp, hẹp không gian khớp, dính khớp và tràn dịch khớp ức đòn. Ngoài ra có thể chụp thêm MRI đánh giá thêm tình trạng dây chằng ức đòn.
IV. Điều trị
Trong điều trị cho bệnh nhân thoái hoá khớp ức đòn, có 2 hướng điều trị đó là các phương pháp điều trị bảo tồn và phương pháp điều trị phẫu thuật. Đối với hầu hết các bệnh nhân, điều trị bảo tồn thường được áp dụng trước tiên, thường mang đến hiệu quả nhất định. Các phương pháp này bao gồm thay đổi chế độ vận động, sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm khớp điều trị triệu chứng. Tuy nhiên vẫn có một số bệnh nhân không còn đáp ứng với các phương pháp trên, bệnh tiến triển nặng và cần được điều trị ngoại khoa.
Hiện nay nhờ sự phát triển của khoa học kĩ thuật, có rất nhiều phương pháp phẫu thuật đã được áp dụng điều trị thoái hóa khớp. Một số phương pháp đã được ứng dụng khá hiệu quả hiện nay, có những phương pháp đã trở thành phổ biến, có những phương pháp vẫn còn rất mới, bao gồm phẫu thuật cắt tạo hình khớp ức đòn, phẫu thuật nội soi khớp ức đòn và một phương pháp mới nhất đó là thay khớp ức đòn nhân tạo.

- Phẫu thuật tạo hình khớp ức đòn bằng cắt đầu trong xương đòn
Kĩ thuật này được báo cáo lần đầu tiên trên Y văn vào năm 1832 bởi tác giả Cooper A. Trong mổ, sau khi bộc lộ, bảo vệ bó mạch thần kinh, phẫu thuật viên sẽ tiến hành cắt 5-10 mm đầu trong xương đòn. Để đảm bảo sự vững của khớp, cần chú ý bảo vệ bao khớp trên, dưới và nhất là bao khớp sau vì đây là cấu trúc quan trọng nhất giúp khớp không bị trật trước sau. Tác giả Rock Wood cho rằng cần bảo tồn dây chằng sườn đòn vì đây là dây chằng rộng nhất tại khớp, giúp khớp cố định trên nhiều mặt phẳng. Sau khi cắt bỏ đoạn xương, phẫu thuật viên có thể cố định đầu gân cơ ức đòn vào ống tuỷ xương đòn, khâu cố định với cơ ngực lớn nhằm điều trị triệu chứng đau, tình trạng thoái hoá và viêm của khớp xương.
Sau mổ 2 tuần bệnh nhân có thể tập các động tác khớp vai với giới hạn từ 0-90 độ, tránh lao động nặng trong 2 tháng đầu và có thể trở lại hoạt động hoàn toàn bình thường sau 12 tuần.
- Phẫu thuật nội soi khớp ức đòn
Với sự phát triển của các phương tiện kĩ thuật và hiểu sâu về cấu trúc giải phẫu, bệnh lý của khớp ức đòn, nội soi khớp ức đòn là kĩ thuật tiên tiến, hiệu quả cao trong chẩn đoán và điều trị thoái hoá khớp ức đòn. Trong khi nội soi, bác sĩ sẽ làm sạch tổ chức viêm thoái hóa, đồng thời có thể tiến hành cắt bỏ đĩa sụn khớp bị tổn thương hoặc cắt xương tạo hình khớp.
So với mổ mở thông thường, phương pháp nội soi có ưu điểm thực hiện phẫu thuật từ mặt trước của khớp mà không tác động đến trung thất ở phía sau, cho phép phẫu thuật nội khớp nên không cần rạch mở rộng rãi bao khớp và không phải tạo hình lại bao khớp. Do đó không làm tổn thương nhiều tới các cấu trúc mô mềm xung quanh, bảo tồn được các cấu trúc cố định khớp. Tuy nhiên kĩ thuật này chỉ áp dụng với những trường hợp viêm khớp thoái hoá hoặc các trường hợp không mất xương rộng vùng khớp ức đòn. Những trường hợp khác như u, bệnh nhân thường bị mất 1 đoạn rộng xương đòn không thể áp dụng phẫu thuật nội soi. Lúc này phải tạo hình khớp ức đòn bằng phương pháp cắt đoạn phía trong xương đòn hoặc thay thế bằng vật liệu nhân tạo.
Sau mổ nội soi, thời gian bất động khớp được rút ngắn lại, giảm các nguy cơ cứng khớp cho bệnh nhân, đồng thời bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và hoàn toàn.

- Thay khớp ức đòn nhân tạo
Thay khớp nhân tạo là một phương pháp kĩ thuật cao đã được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh nhân với các bệnh lí khớp khác nhau. Việc ứng dụng công nghệ này trong điều trị bệnh lí khớp ức đòn mới gần đây được báo cáo trong y văn quốc tế năm 2018 bởi Fabienne.ML.Robertson và cộng sự. Đây là một phương pháp độc đáo, mở ra một hướng điều trị mới cho các bệnh nhân gặp phải bệnh lý khớp ức đòn không đáp ứng với điều trị nội khoa hay đã trải qua phẫu thuật khác mà không đạt hiệu quả. Thay khớp ức đòn cho thấy tiềm năng khôi phục hoàn toàn chức năng của khớp và giảm đau hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên cho đến nay phương pháp này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi và vẫn có những ca phải mổ lại sau lần mổ đầu tiên bởi những lý do như phần mềm vùng khớp ức đòn rất kém, ít mạch nuôi, rất dễ viêm rò. Xương đòn lại là xương cong đa chiều, đầu trong xương đòn cũng cong nên để thiết kế 1 khớp ức đòn cần có sự tính toán rất kỹ lưỡng, đo đạc các thông số khớp cá thể hoá theo giải phẫu mới mang lại hiệu quả tối đa. Do đó vẫn cần nhiều nghiên cứu lâm sàng hơn của phương pháp này. Việc đánh giá toàn diện giữa lợi ích và nguy cơ trước khi ra quyết định điều trị là điều hết sức quan trọng.
Có thể thấy rằng, hiện nay đã có rất nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp ức đòn khác nhau, tuy nhiên việc quyết định áp dụng phương pháp nào sẽ tuỳ thuộc giai đoạn bệnh, trình độ kinh nghiệm của phẫu thuật viên và sự phát triển khoa học kỹ thuật của nơi trực tiếp điều trị.
ThS.BS Trần Quyết khoa Phẫu thuật Chi Trên bệnh viện đa khoa Quốc Tế Vinmec Times City. Sđt 0964502886.