Gãy Xương Cẳng Tay – Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Phòng Tránh

Gãy 2 xương cẳng tay và phẫu thuật

I. Tổng quan về cẳng tay

Cẳng tay là vùng có giải phẫu và chức năng hết sức đặc trưng và quan trọng của hệ xương khớp. Những động tác cơ bản của cẳng tay bao gồm: gấp, duỗi, sấp, ngửa. Đảm bảo cho sự vận động và linh hoạt của cả cánh tay. Vùng này gồm 2 xương: Xương quay và xương trụ. Hình thể giải phẫu của xương trụ tương đối thẳng còn xương quay có hình cung đặc trưng để phù hợp cho động tác sấp ngửa. Ở 2 đầu mỗi xương liên kết với nhau bằng các dây chằng, tạo thành khớp quay trụ trên và khớp quay trụ dưới. Vì vậy bất cứ sự thay đổi về hình thể của xương quay và xương trụ đều ảnh hưởng tới động tác, chức năng của cả cánh tay.

II. Gãy xương cẳng tay là gì?

Gãy xương cẳng tay là sự mất liên tục của xương quay, xương trụ hoặc cả 2 xương của cẳng tay. Loại gãy tương đối phức tạp, nhất là gãy 1/3 trên. Nắn chỉnh hình khó khăn. Việc không điều trị hoặc điều trị không tốt có thể dẫn tới sai lệch, không liền xương, ảnh hưởng lớn tới thẩm mĩ và chức năng của người bệnh.

Gãy xương cẳng tay chiếm 15-20% các gãy xương ở toàn bộ chi trên, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Gãy 2 xương cẳng tay

III. Các loại gãy xương cẳng tay

Gãy xương cẳng tay thường được phân loại dựa theo vị trí gãy, gãy đơn giản hay phức tạp, độ di lệch, là gãy kín hay gãy hở. Mỗi yếu tố trên đều ảnh hưởng tới lựa chọn hướng điều trị và tiên lượng cuối cùng cho bệnh nhân. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu 4 trường hợp gãy cẳng tay thường gặp:

1. Gãy xương cẳng tay ở người lớn

Chấn thương thường xảy ra sau một va đập mạnh. Chấn thương này thường xảy ra sau tai nạn giao thông, bị đập trực tiếp vào cẳng tay, ngã cao. Hoặc tai nạn trong khi hoạt động thể thao. Triệu chứng nổi bật là đau, sưng nề và biến dạng cẳng tay, mất các động tác sấp ngửa bàn tay, gấp duỗi cổ tay. Chẩn đoán hình ảnh sử dụng khi gãy là chụp Xquang cổ tay, cẳng tay, cánh tay tư thế thẳng và nghiêng. Gãy hai xương cẳng tay ở người lớn cần được sơ cứu, điều trị kịp thời để tránh các biến chứng.

2. Gãy xương cẳng tay ở trẻ em

Gãy kiểu này ở trẻ em có thể là “gãy cành tươi” khi gãy không hoàn toàn, màng xương dày nên không bị rách. Hoặc là gãy hoàn toàn hai xương cẳng tay, không hay ít di lệch hoặc chồng ngắn, di lệch nhiều. Ít khi gặp gãy tại vị trí 1/3 trên của cẳng tay trẻ em. Thường gặp nhất là gãy 1/3 dưới, chiếm 75% các trường hợp. Cơ chế chấn thương thường là do lực tác động gián tiếp khi trẻ bị ngã và chống tay. Cơ chế chấn thương trực tiếp ít gặp hơn.

Triệu chứng khi trẻ bị gãy cẳng tay là trẻ đau, sưng nề và biến dạng tại điểm gãy. Chẩn đoán hình ảnh tương tự như ở người lớn. Việc điều trị gãy cẳng tay ở trẻ em ưu tiên điều trị bảo tồn. Tuy nhiên do đặc điểm còn phát triển của trẻ, cần phải thăm khám, đánh giá kĩ lưỡng trước khi đưa ra hướng điều trị. Như vậy giúp tránh những biến chứng nặng như ngắn chi, lệch trục, cứng khớp cho trẻ.

3. Gãy Galeazzi

Gãy Galeazzi là trường hợp gãy 1/3 dưới xương quay kết hợp trật khớp quay trụ dưới. Cơ chế chấn thương trực tiếp là do có lực mạnh tác động trực tiếp vào xương quay hoặc ngã đập cẳng tay vào vật rắn, nền cứng.

Trong cơ chế gián tiếp, bệnh nhân ngã trong tư thế chống bàn tay, cổ tay duỗi và sấp cẳng tay tối đa. Triệu chứng của kiểu gãy ít gặp này là đau chói, sưng nề, giảm hoặc mất cử động chi gãy. Biến dạng chi, mỏm trâm quay ở vị trí cao hơn so với mỏm trâm trụ. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ tổn thương và di lệch của ổ gãy mà các bác sĩ sẽ chỉ định bảo tồn hay mổ phẫu thuật.

4. Gãy Monteggia

Kiểu gãy Monteggia là tổn thương bao gồm gãy 1/3 trên xương trụ và trật khớp quay trụ trên. Chấn thương này thường gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 4 đến 10 tuổi. Ít gặp hơn ở người lớn. Phân loại theo Bado, gãy Monteggia gồm 4 loại:

Loại I: Chỏm quay bị trật ra trước kết hợp gãy thân xương trụ mở góc ra sau, đây là loại gãy hay gặp nhất chiếm70% – 75%.

Loại II: Chỏm quay di lệch ra sau hoặc ra ngoài cùng với gãy thân xương trụ với di lệch gập góc ra sau (góc mở ra trước). Đây là loại gãy ít gặp nhất chiếm 6%

Loại III: Chỏm quay trật ra ngoài hoặc trước ngoài kết hợp với gãy đầu gần thân xương trụ, đây là loại gãy hay gặp thứ 2.

Loại IV: Chỏm quay trật ra trước kết hợp với gãy 1/3 trên thân xương quay và xương trụ, xương quay gãy ngang mức hoặc xa hơn xương trụ.

Cơ chế chấn thương thường do đưa tay lên đỡ đòn đánh trực tiếp vào cẳng tay. Hoặc ngã đập mặt say trong cẳng tay xuống bờ đất cứng trong tư thế gấp khuỷu.

Các triệu chứng trên lâm sàng như biến dạng gập góc mở ra sau hoặc ra trước. Đôi khi chỉ phát hiện khi sờ dọc 1/3 trên xương trụ; cử động bất thường, lạo xạo xương; Sưng nền ấn đau chói tại vị trí gãy. Chỉ định điều trị thường dựa vào tổn thương của xương trụ, có thể được bó bột hoặc kết hợp xương tùy trường hợp bệnh nhân.

IV. Những ai có nguy cơ bị gãy xương cẳng tay?

Những người hay chơi thể thao khi bị các chấn thương gián tiếp thường dễ gặp gãy xương cẳng tay. Ngoài ra có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào khi bị lực đập mạnh vào cẳng tay. Đó là:

– Lao động công trường

– Người tham gia giao thông không chấp hành đúng luật

– Cầu thủ bóng đá

– Người chơi bóng chuyền

– Trượt ván

– Người già và trẻ em

V. Những nguyên nhân nào dẫn đến gãy xương cẳng tay?

– Tác nhân trực tiếp: Lực tác dụng trực tiếp đóng một vai trò rất quan trọng đối với gãy thân hai xương cẳng tay. Hay gặp trong lao động va đập, tai nạn giao thông, dễ biến thành gãy hở.

– Tác nhân gián tiếp: Thường gặp. Do ngã chống tay xuống đất trong tư thế duỗi làm cho xương cẳng tay gấp, cong lại và bị bẻ gãy.

VI. Các triệu chứng thường gặp khi gãy xương cẳng tay là gì?

1. Khi bị gãy xương cẳng tay, bệnh nhân thường có biểu hiện:

– Bệnh nhân kêu đau, nhất là khi khám sờ tại ổ gãy bệnh nhân sẽ thấy đau chói kèm sưng nề, bầm tím vùng bị va đập.

– Biến dạng cẳng tay.

– Giảm hoặc mất cơ năng chi gãy, nhất là các động tác gấp duỗi, sấp ngửa bàn tay.

– Tổn thương thần kinh làm mất vận động/ cảm giác tại vùng tương ứng trên cẳng tay và bàn tay.

– Trong trường hợp gãy hở, sẽ thấy được ổ gãy lộ ra.

– Hội chứng khoang cẳng tay: cẳng tay căng tròn, tê bì, cảm giác kiến bò kèm đau nhiều, mất chức năng vận động.

Đối với gãy thân xương cẳng tay không di lệch, các triệu chứng lâm sàng rất nghèo nàn. Các triệu chứng như: sưng nề khu trú, rồi lan rộng ra cả cẳng tay. Sau 24 –48 giờ xuất hiện vết tím bầm. Cơ năng không giảm hoàn toàn. Giá trị hơn cả là điểm đau chói cố định tại ổ gãy.

2. Các phương pháp cận lâm sàng nào ?

Chụp phim Xquang: Cần ít nhất 2 phim xquang thẳng và nghiêng để xác định chẩn đoán. Phải chụp cả bao gồm khớp khuỷu và khớp cổ tay để quan sát được nếu có tổn thương khớp khuỷu, đầu trên xương quay và khớp quay trụ dưới.

Trên phim chụp thẳng và nghiêng sẽ thấy hình ảnh mất liên tục của xương gãy. Di lệch, nhiều mảnh gãy hoặc mất xương, cùng tổn thương phối hợp như trật khớp, hình ảnh dị vật trong ổ gãy.

Chụp phim CLVT: rất có giá trị khi gãy đầu xa xương quay. Tổn thương của khớp quay trụ trên và dưới giúp bác sĩ có thể tiên lượng kết quả sau cùng của việc điều trị, các biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải.

Ngoài ra bệnh nhân có thể được chụp MRI, siêu âm Doppler mạch để theo dõi các tổn thương dây chằng, mạch máu, mô mềm phối hợp.

VII. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Sau chấn thương, nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu nào như trên hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng nặng nề đáng tiếc.

VIII. Cách xử lý và điều trị

1. Cấp cứu ban đầu:

– Giảm đau cho bệnh nhân bằng các thuốc giảm đau hoặc gây tê ổ gãy

– Nếu nghi ngờ gãy hở cần băng kín bằng gạc vô trùng, tiêm uốn ván và dùng kháng sinh phổ rộng.

– Bất động cẳng tay bằng nẹp để giảm đau, tránh các tổn thương thứ phát.

2. Điều trị thương tổn:

2.1. Điều trị bảo tồn:

Phương hướng điều trị gãy cẳng tay ở trẻ em thường là nắn chỉnh kín sau đó bó bột hoặc sử dụng nẹp cơ năng. Tuy nhiên, cần lưu ý với bé gái trên 10 tuổi và nam trên 12 tuổi phải cân nhắc phẫu thuật khi gãy xương cẳng tay có di lệch.

 Ở người lớn được chỉ định khi gãy đơn giản, ít di lệch tại ổ gãy.

2.2. Điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật:

Gãy 2 xương cẳng tay và phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho tất cả các trường hợp gãy cẳng tay di lệch ở người trưởng thành. Các chỉ định cụ thể như:

– Gãy cả xương quay và xương trụ.

– Gãy xương kèm trật khớp, gãy Monteggia, gãy Galeazzi.

– Gãy xương quay đơn thuần.

– Gãy xương trụ di lệch.

– Chậm liền xương hoặc xương không liền sau điều trị bảo tồn.

– Gãy hở.

– Gãy cẳng tay có hội chứng khoang.

– Gãy phức tạp, có tổn thương gãy vào khớp khuỷu.

– Gãy xương bệnh lý.

Có 2 cách mổ chính là Đinh nội tủyNẹp vít. Mỗi cách mổ đều có ưu nhược điểm riêng. Thông thường ở người lớn sẽ dùng nẹp vít để giúp vận động sớm. Còn trẻ em sẽ đung đinh nội tuỷ giúp can xương vững và tránh sẹo xấu gây co kéo về sau.

*Chăm sóc sau mổ: Bệnh nhân có thể được nẹp cố định 1-2 tuần đầu. Các bác sĩ khuyến khích việc tập các vận động tối thiểu để kích thích quá trình liền xương diễn ra nhanh hơn. Tránh bị teo cơ, cứng khớp vai, khuỷu hoặc cổ tay.

IX. Các biến chứng bệnh nhân có thể gặp

1, Biến chứng sớm:

– Nhiễm trùng do gãy hở hoặc sau mổ.

– Thương tổn thần kinh.

– Thương tổn mạch máu.

– Hội chứng khoang.

2, Biến chứng muộn:

– Can lệch, không liền: hay gặp khi gãy cẳng tay bị nhiễm khuẩn, nắn chỉnh không tốt, cố định không tốt.

– Dính khớp khuỷu, khớp quay trụ, làm mất cơ năng của chi.

– Ngắn chi, hay gặp ở trẻ em.

X. Sau gãy xương cẳng tay mất bao lâu để phục hồi

Sẽ tuỳ thuộc mức độ tổn thương và thời gian bạn đến với bác sĩ sớm hay muộn. Bạn đến sớm ngay sau khi tổn thương thì tiên lượng sẽ sớm hồi phục. Nếu bạn đến muộn sẽ có nguy cơ cao gặp các biến chứng của gãy xương cẳng tay. Đối với bệnh nhân được bảo tồn bằng nẹp bột, sau khoảng 4 – 8 tuần, can xương bắt đầu được hình thành và bệnh nhân được tháo nẹp và bắt đầu quá trình phục hồi chức năng chủ động giúp xương can nhanh hơn để sớm quay trở lại sinh hoạt bình thường.

XI. Biện pháp phòng tránh gãy xương cẳng tay

– Hãy đảm bảo xương của bạn chắc khỏe bằng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và luyện

tập hợp lí.

– Sử dụng đồng phục, phụ kiện bảo hộ khi lao động hoặc chơi các môn thể thao như bóng đã, bóng chuyền, trượt ván.

– Tham gia giao thông an toàn.

XII. Dinh dưỡng giúp phục hồi tốt sau gãy xương cẳng tay

Yếu tố về dinh dưỡng chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình hồi phục của xương. Việc cung cấp đầy đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể người bệnh lúc này rất quan trọng. Đa phần với chế độ ăn hợp lý với đầy đủ canxi cũng giúp quá trình liền xương diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lượng canxi trong các loại thực phẩm ở bữa ăn hàng ngày là không thể đủ. Trường hợp này cần phải cung cấp thêm canxi cho người bệnh bằng những viên uống bổ sung canxi. Như vậy sẽ rút ngắn được phần nào thời gian hồi phục hoàn toàn khi gãy xương nói chung và gãy xương cẳng tay nói riêng.

Cùng với đó, một tâm lý thoải mái sẽ khiến cho bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Đó là một điều được rút ra trong thời gian gần đây dựa trên kết quả nghiên cứu đến từ Hoa Kỳ. Người ta chia ra những nhóm người có thái độ tích cực và nhóm người có thái độ tiêu cực khi cùng phải đối mặt với một căn bệnh giống nhau. Kết quả là ở những người có thái độ tốt thời gian hồi phục hoàn toàn được rút ngắn 50% so với nhóm những người có thái độ tiêu cực.

Ths.Bs Trần Quyết: Khoa Phẫu thuật Chi trên – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Timescity. Số 458 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Số điện thoại: 0964502886.

Trả lời