Dị tật bẩm sinh ngón cái tách đôi – nên mổ hay không?

Dị tật bẩm sinh ngón cái đôi là gì?

Ngón cái đôi (Ngón cái tách đôi – thumb duplication) là một dị tật bàn tay bẩm sinh hay gặp ở trẻ em. Đây là một bất thường về cơ xương khớp. Trẻ trai gặp nhiều gấp 2,5 lần trẻ gái, dị tật này hay còn được gọi là thừa ngón cái. Bất thường phân chia ngón được hình thành trong quá trình mang thai, thường do di truyền gen trội trên nhiễm sắc thể thường.

Dị tật bẩm sinh này thường đơn độc và ít khi có các dị tật bẩm sinh khác đi kèm.

Dị tật bẩm sinh ngón cái đôi. Nguồn internet

Những hình thái dị tật bẩm sinh có thể gặp của ngón cái đôi?

Dị tật ngón cái đôi là dị tật bẩm sinh thường gặp nhiều hơn ở trẻ em các nước châu Á. Được chia thành 7 type theo phân loại của Wassel năm 1969. Riêng type IV thường gặp nhất ( 47- 50 %). Đây cũng là 1 trong những type khó điều trị nhất. Ngón cái đôi gồm các type sau:

  • Type 1: xương đốt xa tách đôi một phần.
  • Type 2: đốt xa tách đôi hoàn toàn, có hai đốt xa riêng biệt tiếp khớp với một đốt gần.
  • Type 3: đốt xa tách đôi hoàn toàn, đốt gần tách đôi tiếp khớp vói hai đốt xa.
  • Type 4: đốt gần tách đôi hoàn toàn, hai ngón cái có đốt gần, xa riêng cùng khớp với đốt bàn.
  • Type 5: đốt gần thừa hoàn toàn, đốt bàn tách đôi kiểu chữ Y, mỗi nhánh của chữ Y tiếp khớp vói một đốt ngón cái riêng.
  • Type 6: đốt bàn thừa hoàn toàn, mỗi ngón có đốt bàn, đốt gần và xa riêng.
  • Type 7: hai ngón cái với ngón cái 3 đốt.
Xquang ngón cái tách đôi. Nguồn Internet

Điều trị ngón cái đôi như thế nào?

Cho đến nay phẫu thuật tạo hình ngón cái vẫn là phương pháp điều trị tối ưu nhất với dị tật bàn tay ngón cái đôi. Nguyên tắc của phẫu thuật là tạo hình lại ngón mới tốt nhất, giữ lại tối đa phần mềm có lợi như gân cơ, bao khớp, dây chằng…nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ.

Có 2 kiểu phẫu thuật chính:

Kiểu 1: Cắt bỏ 1 ngón nhỏ hơn (ngón thiểu sản – thường là ngón bờ quay). Phần mềm bao gồm các dây chằng bên, bao khớp và gân cơ ô mô cái từ ngón cắt bỏ được tận dụng tối đa để tạo hình cho ngón giữ lại. Kỹ thuật này hay được áp dụng hơn.
Kiểu 2: Tạo hình lại ngón cái theo Bilhaut Cloquet. Tức là tạo hình nửa trong của 2 ngón. Giữ lại nửa ngón phía ngoài của 2 ngón, sau đó đính 2 ngón vào nhau tạo thành 1 ngón mới. Kỹ thuật này khó hơn nên ít được áp dụng.

Tạo hình ngón cái theo Bilhaut Cloquet. Nguồn internet

Dị tật ngón cái đôi nên được phẫu thuật ở lứa tuổi nào?

Phẫu thuật tạo hình ngón cái đôi nên được tiến hành trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tuổi. Phẫu thuật trong khoảng thời gian này làm giảm nguy cơ chảy máu từ xương, một biến chứng rất hay gặp khi mổ ở trẻ em. Một điều nữa là giai đoạn này trẻ bắt đầu hình thành các vận động bàn tay chủ động, bắt đầu để ý đến các dị tật của cơ thể. Vì vậy phẫu thuật trong giai đoạn này cũng thuận lợi cho việc làm quen và phản xạ với ngón mới tạo hình cho trẻ.

Ths.Bs Trần Quyết – Khoa phẫu thuật Chi Trên – Trung tâm Chấn Thương Chỉnh Hình và Y học thể thao Vinmec. Số 458, Minh Khai, Hai Bà Trưng, sdt 0964502886.

Trần Quyết
147 Comments

Leave a reply